XÂY DỰNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ CÓ MỘT VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG TRONG NỀN KINH TẾ

Công nghiệp hỗ trợ đã có bước chuyển mình ấn tượng trong hơn 10 năm qua, tuy nhiên cần thúc đẩy xây dựng để ngành này có một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương xung quanh nội dung này.

 

 

Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản ... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bà có thể nêu rõ hơn vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ?

Trải qua 10 năm phát triển, trong giai đoạn 2011 – 2020 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có bước phát triển khá ấn tượng. Thành quả này trước hết là nhờ sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt năm 2011 trên diễn đàn của Quốc hội đã đề cập “nóng” về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và sự cần thiết phải hình thành một ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo ra một hệ sinh thái như chúng ta từng nói là “xây tổ đón đại bàng”.

Năm 2015 Chính phủ đã banh hành Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị định chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016. Với chính sách này, đã góp phần thúc đẩy cho công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”. Vào thời điểm đó số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ có hơn 300 doanh nghiệp nhưng sau 5 năm phát triển chúng ta đã có trên 1.000 doanh nghiệp, dù con số này còn khiêm tốn so với các nước song cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng về mở rộng sản xuất, cũng như sức phát triển của doanh nghiệp rất lớn.

Bên cạnh đó, với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới cũng tạo đà cho doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho phát triển, mở rộng một loạt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mà chúng tôi gọi là mở rộng chuỗi cung ứng, có nhiều "ông lớn" đầu chuỗi tại Việt Nam.

Từ các thành quả đó, hiện tại vấn đề đặt ra đó là chúng ta làm sao tạo được giá trị gia tăng nhiều hơn trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như phát triển ngành bền vững chứ không phải tăng trưởng nhanh về số lượng.

Việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Bà có đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Trước hết, theo tôi chúng ta cần nhìn nhận và xem xét lại quan điểm về giá trị nhập khẩu. Hiện chúng ta cố gắng giảm giá trị nhập khẩu nhưng có một số nguyên liệu các quốc gia phát triển đều dựa trên các lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử thì tính liên kết toàn cầu được thiết lập ngay từ khi hình thành. Theo đó, việc các quốc gia phải nhập khẩu nguyên liệu là điều hết sức bình thường. Do vậy, trong quá trình thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, phải tìm lợi thế cạnh tranh của mình là gì hoặc phải chuyển đổi những ưu điểm ra sao để biến thành lợi thế cạnh tranh.

Qua đây chúng ta phải nhìn nhận, câu chuyện giá trị gia tăng nội địa đang thấp so với khu vực cũng cần xem xét lại bởi trong vòng 10 năm trở lại đây giá trị gia tăng nội địa của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang tăng trưởng nhiều hơn đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử. Đơn cử trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp điện tử có giá trị xuất khẩu là trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước. Đồng thời, lĩnh vực này luôn thuộc top xuất khẩu dẫn đầu. Ngoài ra, trong 5 năm trở lại đây điện tử cũng là ngành xuất siêu. Trong đó, năm 2018-2019 trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, xuất siêu của ngành công nghiệp điện tử đạt trên 20 tỷ USD. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 xuất siêu của ngành công nghiệp điện tử đạt từ 4 đến 11 tỷ USD. Đáng chú ý, năm 2021, khi Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD nhưng riêng ngành công nghiệp điện tử xuất siêu là 11 tỷ USD. Điều này cho thấy, nếu không có ngành công nghiệp điện tử thì Việt Nam đã thành nhập siêu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, chưa có số liệu thống kê cụ thể phản ánh năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và giá trị gia tăng thực tế vì chúng ta chỉ nhìn vào khai báo xuất khẩu của doanh nghiệp đầu chuỗi khi xuất hàng ra nước ngoài mà không có tính toán, đóng góp giá trị của doanh nghiệp nội địa trong giá trị xuất khẩu. Đến nay, trong báo cáo xuất khẩu có hơn 90% giá trị xuất khẩu rơi vào doanh nghiệp FDI. Vì thế, những đóng góp của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng lớn nhưng chưa được ghi nhận và chỉ gọi là xuất khẩu gián tiếp.

Thời gian tới, để xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo là tiền đề để thu hút công nghệ hiện đại chất lượng vào Việt Nam thì chúng ta phải có hệ sinh thái ngành công nghiệp đầy đủ, được quan tâm đúng mức. Đây cũng là một trong các mong muốn, đề nghị từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam tới các cơ quan quản lý trong đó có Bộ Công Thương trong việc xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp làm sao để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ có một chỗ đứng, có một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương-Ủy Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam-Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam(VASI) 

 

Việc Việt Nam đã ký cam kết tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể mang lại lợi ích và cơ hội gì cho ngành công nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh liên kết tham gia chuỗi cung ứng. Lời khuyên nào đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để nắm bắt cơ hội này, thưa bà?

Vốn, công nghệ, nhân lực là 3 yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển, tạo động lực để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chế tạo hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu và yếu về vốn, công nghệ, nhân lực.

Vì vậy, cần có chính sách để hỗ trợ tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp. Trước hết về vốn, tự thân doanh nghiệp rất khó, nên các chính sách cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một cách thuận lợi, phù hợp ngay khi doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh.

Về công nghệ, ngoài nội lực của doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ.

Đối với nhân lực, mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh hơn nữa, để tạo động lực và cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ nhân lực có tay nghề, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để nắm bắt cơ hội này, trước hết phải có cơ chế, chính sách theo kịp, đáp ứng các lợi thế của thị trường. Thực tế, so với các nước lân cận chính sách chúng ta không thiếu, nhưng tính thực thi, thời điểm thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp; làm cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh trong khu vực. Do đó, chúng tôi mong muốn những chính sách ban hành cần kịp thời và có tính thực thi cao.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi so với các nước trong khu vực, nhưng cách chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón bắt cũng như biến cơ hội thành lợi thế hoàn toàn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của doanh nghiệp và cách điều hành nền kinh tế của Chính phủ thông qua các quy định và luật.

                                                                              Nguồn sưu tầm: Báo Công Thương

Hotline Zalo
Loading...
×