Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Vẫn là bài toán khó của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sự xuất hiện của các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội này hay không lại là bài toán không hề đơn giản đối với các DNNVV.

Không dễ nắm bắt cơ hội

Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được gần 10 năm, nhưng anh Nguyễn Văn Việt - đại diện một DNNVV có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội - cho biết: Không dễ dàng để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chứ chưa nói gì đến các tập đoàn lớn như SamSung, LG hay Canon, Honda...

Lý do anh Nguyễn Văn Việt đưa ra là, các tập đoàn này đòi hỏi rất cao về chất lượng, chủng loại và cả tiến độ sản xuất, thời gian giao hàng. Đặc biệt, do đòi hỏi của thị trường, sản phẩm công nghiệp nói chung và sản phẩm CNHT nói riêng cũng liên tục thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu đổi mới. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước với số vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu khó mà đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục được để chen chân được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.

“Thành ra, cơ hội thì có, nhưng đáp ứng được để tham gia vào chuỗi hay không lại là câu chuyện khác” – anh Nguyễn Văn Việt thông tin thêm.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Vẫn là bài toán khó của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính sách phát triển CNHT cần nhất quán để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

 

Trong một diễn biến khác, theo ông An Kyong Jin – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghệ và giải pháp Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK): Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc mong muốn tìm được các nhà cung cấp tại chỗ tham gia vào chuỗi cung ứng, nhằm nội địa hóa cao nhất các sản phẩm. Nhưng đến nay, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, do gặp phải khá nhiều hạn chế, đặc biệt là về vấn đề kỹ thuật.

Tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp

Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT của Chính phủ ban hành vào tháng 8/2020 nêu rõ, CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế. Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Trên thực tế, để thúc đẩy CNHT trong nước phát triển, những năm qua Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và định hướng, CNHT là một trong những ngành được ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Cụ thể, với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT và các văn bản, chinh sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về CNHT đã ngày càng phát triển lớn mạnh. Chất lương, số lượng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT cũng ngày càng được cải thiện tích cực hơn. Tuy vậy, ngành CNHT tại Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp CNHT còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và thiếu tính ổn định. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia vào lĩnh vực CNHT.

Để tạo thuận lợi hơn cho DNNVV tham gia vào lĩnh vực CNHT và chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp với những cơ chế, chính sách cụ thể. Theo đó, những chính sách này bên cạnh tính ổn định, nhất quán thì cần dễ áp dụng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt, DNNVV thường khó khăn trong vấn đề vốn, vì vậy cần tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, đáp ứng nhu cầu đầu tư công nghệ và đổi mới dây chuyền sản xuất, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các tập đoàn toàn cầu.

Các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, do đó sản phẩm CNHT thường đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp và có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×