Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội

Có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng thực tế cho đến nay, vẫn chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội đó. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, “nút thắt” ở đây là do doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư vào công nghệ.

Hạn chế khả năng đáp ứng

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho biết: Một tập đoàn công nghệ nước ngoài lớn đang đầu tư và hoạt động rất thành công tại Việt Nam từng công bố, sản phẩm của họ sản xuất tại Việt Nam được nội địa hóa lên đến 55%. Tuy nhiên, một tổ chức đã tìm hiểu thì cho biết, tỷ lệ nội địa hóa chính xác chỉ đạt 18%, chứ không phải 55%. Bởi phần trăm còn lại là do chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được tập đoàn này đưa vào để cung ứng linh kiện cho họ.

Đây không phải là câu chuyện của riêng tập đoàn trên mà là câu chuyện của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Họ đến Việt Nam và mang theo rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh để cung ứng linh, phụ kiện phục vụ cho dây chuyền sản xuất.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần chú trọng đầu tư vào công nghệ

 

 

Có rất nhiều lý do đằng sau câu chuyện đó, nhưng có một lý do đã được nhắc đến khá nhiều, đó là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của những tập đoàn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam đưa ra. Dù thời gian qua, một số tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư tại Việt Nam đã hợp tác với những cơ quan chức năng trong nước, có chính sách đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Cụ thể, vào tháng 4/2018, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp tổ chức khai mạc Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Mục tiêu của Chương trình nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các doanh nghiệp cung ứng trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, từ đó giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp đó vào năm 2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Samsung Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cũng liên tục đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, dù được đánh giá có sự tăng trưởng cả về số lượng và quy mô trong những năm gần đây, nhưng hiện, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mới chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Gỡ “nút thắt” công nghệ

Bên cạnh tăng về quy mô, số lượng, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong các lĩnh vực khuôn mẫu, linh kiện xe đạp, xe máy, linh liện cơ khí tiêu chuẩn… được đánh giá đã cải thiện được năng lực theo chiều hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.

Song, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, năng suất của doanh nghiệp trong nước còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn tại Việt Nam về số lượng, mẫu mã và cả chất lượng cũng như thời gian giao hàng.

Nguyên nhân là bởi, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường có quy mô nhỏ, khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và không chú trọng đầu tư vào dây chuyền công nghệ.

“Vì thế, trình độ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào Việt Nam còn có khoảng chênh lệch khá lớn” – ông Lê Đăng Doanh khẳng định, đồng thời cho biết, đây cũng chính là điểm yếu khiến sản phẩm của doanh nghiệp khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ, nhằm đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng và cả thời gian giao hàng. Cùng với đó, tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các tập đoàn nước ngoài để tìm hiểu, tiếp cận nhanh hơn với dây chuyền công nghệ mới, có như vậy mới cải thiện được năng lực sản xuất, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của tập đoàn nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×