Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng được ban hành năm 1999 (Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27/04/1999) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010) được ban hành năm 2010.
Trong những năm qua, công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; nhờ đó hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong đó sự quan tâm lãnh đạo của một số cấp uỷ đảng đối với công tác triển khai, thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được tập trung đúng mức; trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này chưa được xác định cụ thể, rõ ràng nên kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu. Các chủ thể trong xã hội cũng chưa thực sự nhìn nhận đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và quá trình toàn cầu hóa. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Nếu tình trạng này, không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 22/01/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để triển khai thực hiện và sớm đưa Chỉ thị số 30-CT/TW vào cuộc sống nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã chủ động ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ ngày 13/9/2019 lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của Bộ Công Thương triển khai học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chỉ thị số 30- CT/TW của Ban Bí thư. Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và có hệ thống từ Trung ương tới địa phương về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc quy định và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương liên quan.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1907/QĐ-BCT ngày 21/7/2020 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP. Trong đó phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước của các đơn vị có liên quan trong ngành Công Thương đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ và Quyết định số 1907/QĐ-BCT, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động, tập trung nguồn lực thực hiện các đề án, nhiệm vụ được giao một cách thiết thực, hiệu quả nhằm triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 30-CT/TW và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 82-NQ/TW, với các nội dung chính gồm:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xác định công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm cuả các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như trong các cơ quan đơn vị của Bộ Công Thương.
Thứ hai, xây dựng và ban hành văn bản triển khai việc giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành Công Thương và ngành, lĩnh vực được phân công. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách bao gồm xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông. Đặc biệt, xây dựng Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế: Trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…
Thứ tư, xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng. Mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng đưa tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và đăng tải các tin bài, phóng sự chuyên đề về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; phê phán công khai các hành vi thiếu trách nhiệm, các vị phạm nghiêm trọng trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung; đăng tin, bài về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng…
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; tiếp tục vận hành, xây dựng và phát triển Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai thực thi Luật Cạnh tranh để góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng…
Thứ sáu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN, APEC và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, tiếp tục đàm phán các hiệp định FTA để mở rộng thị trường; đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả, chặt chẽ. Tăng cường hoạt động hợp tác giải quyết tranh chấp tiêu dùng, thu hồi sản phẩm có khuyết tật xuyên biên giới…
Với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, Bộ Công Thương hy vọng sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
(Nguồn Bộ Công Thương)