Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như: lắp ráp ô-tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong xu thế hội nhập sâu rộng.
Thu hút hơn 1,67 tỷ USD vốn FDI
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: (1) Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; (2) Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; (3) Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; (4) Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.
Trên cơ sở Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình bảo đảm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển, tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch. Trong 4 ngành kinh tế trụ cột, Ninh Bình đang tiếp tục tập trung lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Hiện nay toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 97 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.675,63 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 45 dự án và đứng thứ 2 về vốn đầu tư (đạt 450,18 triệu USD), chiếm 27% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Trong đó các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực: may mặc, các sản phẩm giày dép, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô….
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có công nghệ cao như: Dự án Nhà máy Sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, Dự án Nhà máy Sản xuất cần gạt nước xe ô tô của Công ty TNHH ADM 21, Dự án DNC AUTOMOTVE, Nhà máy Sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH Esmo Vina....
Cùng với đó nhiều dự án dệt may, da giày đi vào hoạt động, như: Nhà máy Giày dép xuất khẩu Ninh Bình của Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất giày dép xuất khẩu và nguyên phụ liệu ngành giày dép của Công ty Giày ADORA Việt Nam, Nhà máy Sản xuất gia công sản phẩm giày dép Viennery của Công ty Montop Holding Limited...
Đặc biệt, sau hơn 15 năm hoạt động Liên doanh Ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công với 8 dự án, vốn đăng ký 12.138,487 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Dự án Nhà máy HTMV2, với vốn đầu tư 3.208 tỷ đồng, công suất 100.000 xe ô tô du lịch/năm, đến năm 2025 đạt 180.000 xe/năm. 8 dự án hoạt động hiệu quả, hàng năm nộp ngân sách 15.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5.000 lao động.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ
Thực hiện quy hoạch, tỉnh Ninh Bình thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững. Về thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Theo Sở Công Thương Ninh Bình, thời gian qua hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Ninh Bình đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Ninh Bình bám sát Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 1751/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu.
Tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như: Xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kết nối giao thông... Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phát triển cụm liên kết cụm ngành công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may và da giầy… Đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để cung cấp các linh kiện, sản phẩm phụ trợ, phát triển chuỗi sản xuất./.
Nguồn sưu tầm: https://tapchicongthuong.vn/