Nâng “chất” nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia tư vấn tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.

Đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai dự án hợp tác đào tạo tư vấn và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho DN chế biến, chế tạo, DN CNHT Việt Nam với sự tham gia của 140 DN trên cả nước.

Nâng “chất” nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao

 

Đáng chú ý, trong 3 năm (2018-2020), Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo hơn 327 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trở thành nguồn nhân lực then chốt trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo, để mở rộng chương trình tư vấn cải tiến giúp nhiều DN nội địa có thể tham gia vào chương trình nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, từ năm 2020 Samsung cũng đã triển khai dự án hỗ trợ đào tạo 200 chuyên gia trong 4 năm (2020 – 2023) về lĩnh vực khuôn mẫu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp khuôn mẫu của Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đánh giá, thông qua chương trình đào tạo này, các DN tham gia đã đạt được một số kết quả tích cực như: Tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, giảm thiểu tồn kho, nâng cao nhận thức... tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của các DN.

Cần sự hỗ trợ của địa phương

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, thời gian qua, Cục Công nghiệp không thể triển khai chương trình trên diện rộng, mang tính lan tỏa trong cộng đồng DN Việt Nam. Tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 4.840 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.

Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, trung bình một năm, Cục chỉ có thể tiến hành hỗ trợ, tư vấn khoảng 100 DN trên cả nước. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các DN, sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng và thiết thực. “Trung ương đi trước, xây dựng mô hình mẫu để từ đó các địa phương có thể tham khảo, triển khai cải tiến và đổi mới một cách hiệu quả”- lãnh đạo Cục Công nghiệp bày tỏ.

Tuy nhiên, đến nay, việc các địa phương xây dựng chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng biệt, đầu tư nguồn lực trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Nhận thức của nhiều cơ quan địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực phát triển còn mang tính ngắn hạn, chưa tuân thủ hoàn toàn các định hướng phát triển dài hạn của Đảng và Nhà nước.

Đơn cử, đối với chương trình cải tiến DN, đến nay, mới chỉ có 2 địa phương là Hải Dương và Bắc Ninh đã và đang chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam triển khai trên toàn địa bàn của 2 tỉnh.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hương Giang- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết, đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng, không chỉ các DN tại Bắc Ninh mà các DN khác trên cả nước cũng nên tham khảo để triển khai hiệu quả mô hình này.

Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, theo ông Phạm Tuấn Anh, trong năm 2021, Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất, chất lượng nhằm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong đó có Samsung.

Bộ Công Thương xác định, nhân lực trình độ cao giữ vai trò then chốt phát triển DN. Vì vậy, Bộ đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT.

Nguồn Báo công thương

Hotline Zalo
Loading...
×