Một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành Công thương

Đối với ngành Công Thương, trong 4 tháng cuối năm 2021, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tập trung thực hiện

nhằm phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, theo dõi chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu để giải pháp kịp thời. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Bộ Công Thương thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương cũng phải rà soát, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ khẩn trương rà soát hoàn thiện chuẩn hóa “luồng xanh”, không đặt ra bất kỳ điều kiện nào của riêng mình làm cản trở lưu thông vật tư, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, việc giữ được chân khách hàng, duy trì chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại hiện nay là cực kỳ quan trọng. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đối với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói 26.000 tỷ đồng dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19.. Đồng thời, khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và người lao động để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất ngay sau dịch bệnh (nhất là chính sách về thuế, phí, đất đai, tài chính, lãi suất ngân hàng, dịch vụ logistics và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp).

Đối với các địa phương miền Bắc và miền Trung, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ, cho phép các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện an toàn dịch bệnh có thể thỏa thuận với người lao động để tăng tốc sản xuất, tăng ca, tăng giờ làm trong ngày (ngày làm trong tháng) với phương châm lấy tốc độ, bù thời gian mà không vi phạm Luật lao động (hiện nay Luật lao động quy định 300 giờ làm/ năm) nhằm tận dụng triệt để cơ hội hồi phục nguồn cung của thị trường thế giới, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần khôi phục phát triển kinh tế đất nước.

Đối với các doanh nghiệp khu vực miền Nam, Tây Nguyên tuy vẫn phải áp dụng Chỉ thị 16 cũng cần rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng ngay các biện pháp, gồm: Khử khuẩn thường xuyên cơ sở sản xuất, tổ chức giãn cách người lao động trong các dây chuyền sản xuất; Ưu tiên cho người lao động được tiêm đủ 02 liều vắc xin, xét nghiệm định kỳ, thường xuyên cho người lao động (nhất là lao động trong các KCN, khu vực dịch vụ, vận chuyển hàng hóa..); Xem xét cho phép các doanh nghiệp, nhà máy chủ động quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với việc tuân thủ yêu cầu chống dịch trong nhà máy theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn mà liên Bộ Công Thương

- Y Tế đã ban hành; đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp mô hình doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến để duy trì sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ trưởng, trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ để có thể phục hồi hoạt động ngay    các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ các doanh nghiệp mua tạm trữ (4 - 5 triệu tấn lúa) góp phần giảm sức ép trong tiêu thụ lúa gạo và các nông sản tới vụ của các địa phương trong cả nước nhất là khu vực miền Nam, Tây nguyên.

Thứ ba, tổ chức các phương thức kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông sản, đồng thời theo dõi sát diễn biến nhập siêu để có biện pháp ứng phó phù hợp. Bộ sẽ tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đơn giản hóa, đẩy mạnh việc đăng ký và trả kết quả các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến, qua bưu điện. Đối với các địa phương có cảng biển chỉ đạo việc phân luồng, tuyến giao thông ngoài cảng phù hợp, phối hợp với Y tế địa phương trong phòng chống dịch để duy trì hoạt động của cảng, tránh ách tắc. Các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và địa phương có cảng biển, xem xét giảm phí dịch vụ cảng biển, phí bốc xếp, giảm giá container lưu bãi cho các doanh nghiệp đang dừng sản xuất, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguồn Thông tin thương mại

Hotline Zalo
Loading...
×