Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Thiếu chiến lược tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để ngành CNHT thích ứng với chuỗi sản xuất toàn cầu thì cùng với chính sách hỗ trợ từ nhà nước, cần nỗ lực từ chính doanh nghiệp (DN).

Chưa nhiều DN Việt vào được chuỗi cung ứng nước ngoài

Báo cáo Bộ Công Thương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho biết, quy mô,số lượng các DN CNHT trong nước còn nhiều hạn chế. Hiện, trên toàn quốc, trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện,chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Trình độ sản xuất và công nghệ của DN dẫu từng bước được cải thiện, tuy nhiên, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp.

5930-anh-bai-duoi

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế

Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế, DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp.Với dệt may, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt khoảng 40 - 45%. Đối với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của DN Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%... Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI, hầu hết linh kiện nội địa hóa đều do DN FDI cung cấp...

Tại Diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các FTA thế hệ mới” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Duy Đông -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhận định, DN Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa có chiến lược phát triển dài hạn, còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển. “DN Việt Nam còn yếu trong việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành các đối tác lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển chung” - ông Trần Duy Đông nói.

Cần nhiều nỗ lực

Để tạo cú huých cho ngành CNHT, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển. Bộ Công Thương được Chính phủ giao 13 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có: Xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng 5 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng…

Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, đòi hỏi sự nỗ lực từ chính DN. Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội Bùi Minh Hải - cho rằng, DN cần thay đổi tư duy, tài chính, công nghệ để sẵn sàng đón đầu các làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn theo ông Nguyễn Duy Đức - Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Cổ phần Sản xuất và Phát triển Công nghiệp Việt Nhật (Indema), DN phải tự vận hành, tìm hiểu, đổi mới quy trình để đáp ứng những yêu cầu rất tỉ mỉ, cụ thể về chất lượng của khách hàng. Bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất, đơn giản nhất để đối tác tin tưởng, dần dần tiến tới các hợp đồng, đơn hàng lớn, sản phẩm phức tạp hơn.

Chính phủ đặt mục tiêu đến nam 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất nội địa…

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×