Doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ: tăng cường tính liên kết

Đặt lên “bàn cân” về năng lực, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam còn “yếu thế” so với một số quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng thuận lợi, doanh nghiệp (DN) chủ động liên kết, hoàn thiện là những giải pháp được chỉ ra cho sự phát triển bền vững của CNHT Việt Nam

“Ít điểm cộng, nhiều điểm trừ ”

Việt Nam hiện có hơn 1.800 DN hoạt động, sản xuất trong lĩnh vực CNHT. Trong đó, 1.500 DN cung ứng nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày - những ngành nghề thế mạnh của Việt Nam, nhất là trước “cánh cửa” rộng mở của các Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Một số DN CNHT đã “đặt chân” được vào cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn lớn, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. DN Việt Nam có thế mạnh về nguồn lao động trẻ, nhiệt huyết cống hiến và tài năng; được thụ hưởng các ưu đãi về thuế quan từ FTAs - một lợi thế vượt trội so với các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, nhìn một cách trực diện và tổng thể, “bức tranh” CNHT của Việt Nam còn những điểm trừ lớn… Ở góc độ chuyên gia, ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án kết nối DN nhỏ và vừa Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN CNHT Việt Nam còn khá hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực, ví dụ như Thái Lan. Vì vậy, DN Việt Nam dễ bị thua thiệt và khó khăn khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

doanh nghiep cong nghiep ho tro tang cuong tinh lien ket

Còn theo ông Takizama Saturo - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng, điểm trừ lớn nhất của DN CNHT Việt Nam và DN CNHT FDI tại Việt Nam là thiếu tính liên kết. “Các thách thức ở khối DN tư nhân trong liên kết với nhau vẫn không có cải thiện là nguyên nhân chính dẫn tới việc các DN FDI “đắn đo” khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Takizama Saturo nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Dương Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam chỉ ra rằng, điểm yếu cố hữu của DN CNHT hiện nay đó là rời rạc, không có tính liên kết. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển CNHT chưa thực sự đi vào cuộc sống...

Làm gì để “tăng sáng, giảm tối” cho CNHT Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Hikari Việt Nam, để CNHT Việt Nam phát triển phải khắc phục được điểm yếu nhất của bức tranh CNHT Việt Nam đó là tính liên kết. DN phải chủ động hợp tác, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau; mỗi DN CNHT phải tự xác định mình là một mảnh ghép của bức tranh lớn, mà khi ghép các mảnh ghép lại với nhau sẽ ra được một sản phẩm hoàn thiện.

doanh nghiep cong nghiep ho tro tang cuong tinh lien ket

Tán đồng ý kiến này, ông Trần Lê Phương - Phó TGĐ đối ngoại, Công ty TNHH SX và KD Vinfast cho rằng đầu ra của sản phẩm là vấn đề thách thức lớn đối với DN. “Chúng ta chỉ thành công khi tham gia được vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Vinfast kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực cùng hợp tác để tạo nên chuỗi cung ứng có sự cạnh tranh toàn cầu mang thương hiệu Việt Nam” - ông Phương nhấn mạnh.

Hoàn thiện chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống cũng là một điểm nhấn được đề cập. Ông Lê Dương Quang cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành phải thực sự đồng hành và kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Các địa phương phải thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp CNHT với Chính phủ, các bộ ngành. Còn ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Công ty CP Long Hậu - Đà Nẵng, đơn vị cung cấp dịch vụ cho CNHT, đề xuất cần có cơ chế rõ ràng xác định ngành nghề cụ thể là CNHT để DN, nhất là DN FDI tự tin ra quyết định đầu tư.

Đại diện của khối doanh nghiệp FDI, ông Kevin Loebbaka - Giám đốc điều hành UAUAC cho rằng, cần nhiều hơn nữa các hội nghị, chương trình kết nối giữa các DN CNHT với các DN đầu cuối, các DN Việt Nam với các tập đoàn thế giới để DN Việt có nhiều cơ hội hợp tác hơn. “Ngay tại hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2019 (được tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 5/7/2019 vừa qua), chúng tôi đã kết nối được 4, 5 DN Việt Nam tiềm năng có thể hợp tác. DN FDI rất mong sẽ có những chương trình như thế này để chúng tôi tìm kiếm được cái đối tác có năng lực”, ông Kevin Loebbaka chia sẻ.

Về phía chính quyền địa phương, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề xuất Bộ Công Thương dành nhiều hơn sự quan tâm đến các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư CNHT tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh đó, sớm xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về CNHT để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Nói về tương lai phát triển của CNHT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Ngành CNHT của Việt Nam chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các chính sách, bản thân các doanh nghiệp CNHT phải chủ động thông tin đầy đủ, cụ thể hóa đường hướng, sự phát triển của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đầu cuối để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện hiệu quả năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, các bộ, ban, ngành rất quan tâm đến công tác phát triển công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng. Bộ Công Thương đang tích cực, quyết liệt triển khai các định hướng, các chỉ đạo về phát triển CNHT.

Vũ Lê

Hotline Zalo
Loading...
×