Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Thiếu vật liệu, linh kiện

Khảo sát của Reed Tradex với các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử mới đây cho thấy, hơn 58% DN trong lĩnh vực này cho rằng, phải mất hơn một năm sau đại dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới khôi phục và trở lại bình thường.

Tại Diễn đàn “Kết nối DN vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức hậu Covid-19” tổ chức trực tuyến mới đây, các chuyên gia đều nhận định, DN CNHT ngành điện tử hiện nay đang đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), các DN ngành điện tử đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0 nên buộc phải đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Thiếu vật liệu, linh kiện

Tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn chậm

 

Thách thức lớn nhất là nguy cơ thiếu vật liệu, linh kiện và bộ phận hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Trong tình hình đại dịch như hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn tìm kiếm nguồn cung linh kiện từ các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhiều DN sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam đã phản ánh sự ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, ở các mức độ khác nhau. Nhiều dự báo cho thấy, tình trạng thiếu hụt này có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.

Bà Phạm Liên Anh - chuyên gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho rằng, tốc độ chuyển đổi số ở DN Việt Nam hiện nay còn rất thấp; số lượng DN sẵn sàng đầu tư cho số hóa không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước. “Có tới 51% DN Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, nhưng số áp dụng công nghệ số cho bán hàng online chỉ chiếm 1%” - bà Phạm Liên Anh thông tin.

Trong đó, các DN đầu chuỗi đa quốc gia trong lĩnh vực điện - điện tử đều có bộ phận công nghệ thông tin chuyên trách xây dựng nền tảng số, cho phép họ kết nối, xây dựng những hệ cơ sở dữ liệu quản lý và đánh giá nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu. DN Việt Nam bị bất lợi hơn so với DN các nước khác vì trình độ số hóa chưa cao.

Trước các thách thức trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương khuyến nghị, Việt Nam cần kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ DN, đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, ưu tiên vào những lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, bền vững, có sức lan tỏa, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cho DN. Điều quan trọng, cần thu hút FDI có chọn lọc. Tập trung, ưu tiên vào thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, chứa đựng nhiều tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các chính sách cần chặn dòng vốn đầu tư và công nghệ chất lượng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường kỹ thuật số và nền kinh tế số.

Nhiều chuyên gia trong ngành điện tử cũng đề xuất, Chính phủ tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy DN Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn. Trong đó, những dạng hỗ trợ như chuyển đổi số, ưu đãi startup, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sáng tạo… cần được tăng cường và hài hòa hơn.

Bà Phạm Liên Anh nhấn mạnh, số hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển CNHT, nên cần đẩy mạnh quá trình số hóa cho DN. Chuyển đổi số nên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, khoảng cách còn lớn như chức năng, nghiệp vụ sản xuất; quản lý chất lượng.

Chính phủ cần tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy DN Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn.

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×