Công nghiệp hỗ trợ: Tăng tốc phát triển, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã nỗ lực thay đổi để nâng cao năng lực trong cuộc chạy đua thành các nhà cung ứng (vendor) cho các tập đoàn lớn cũng như nắm bắt các cơ hội từ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của các doanh nghiệp, cần các chính sách tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho ngành CNHT.

Điểm sáng của ngành công nghiệp hỗ trợ

Đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh

Hoạt động trong lĩnh vực CNHT, Công ty TNHH nhựa An Phú Việt chuyên sản xuất các sản phẩm từ plastic như linh kiện điện tử, điện thoại, xe máy; lắp ráp các phụ tùng thiết bị điện tử cung cấp cho các công ty lớn như Samsung, Panasonic, Brother, Honda...

Công nghiệp hỗ trợ: Tăng tốc phát triển, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

 

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty Nhựa An Phú Việt - cho biết: Hiện nay, khách hàng chính của công ty là Samsung, chiếm 80% doanh thu và một số công ty của Nhật Bản, Việt Nam. Để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí: Chất lượng phải theo tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh, sản lượng lớn, thời gian giao hàng nhang và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Do đó, doanh nghiệp phải chọn lựa chiến lược phù hợp với đối tượng khách hàng để tập trung nguồn lực tạo hiệu quả tồn tại và phát triển. “Tại An Phú Việt, bên cạnh đội ngũ nhân sự trẻ và nhiệt tình, công ty đã tập trung đầu tư máy móc và thiết bị hiện đại do các hãng uy tín trên thế giới cung cấp. Nếu không đầu tư thì không thể sản xuất được các chi tiết có độ khó theo yêu cầu của khách hàng…” - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đào Duy Luận - Phó Giám đốc Công ty Systech Technology & Trading JSC - cho hay: Hiện công ty đã cung cấp linh kiện cho khoảng 300 khách hàng là các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó khách hàng lớn là Samsung, Canon, Brother. Tổng doanh thu mỗi năm năm khoảng 9,3 triệu USD.

Nếu như trước đây công ty chủ yếu làm thương mại, thì từ năm 2015 chuyển hướng liên doanh với các đối tác là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản để sản xuất các linh kiện tại Việt Nam. “Muốn cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI buộc sản phẩm phải có chất lượng đảm bảo và giá thành tốt, do đó việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại rất quan trọng” - ông Đào Duy Luận nói.

Đó cũng là câu chuyện đang diễn ra ở Công ty TNHH 4P - doanh nghiệp đang là vendor cấp 1 cho LG, Samsung và cung cấp mỗi tháng hơn 3 triệu sản phẩm như bản mạch tivi 3D, bản mạch cho máy in, camera… Các yếu tố quyết định thành công của Công ty TNHH 4P đó là quyết định lựa chọn, đầu tư về công nghệ, đào tạo đội ngũ quản lý và vận hành, xây dựng hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn...

“Chúng tôi nhận thấy công nghệ ngày càng hiện đại, xu hướng chuyên môn hóa sẽ ngày càng cao, do vậy thay vì làm sản phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi căn cứ vào năng lực của mình quyết định bắt đầu từ những linh kiện nhỏ nhưng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH 4P - bộc bạch.

Cơ hội trở thành công xưởng sản xuất của thế giới

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Việc dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại, đầu tư cùng với quá trình thực thi CPTPP, EVFTA đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc.

“Việt Nam có cơ hội trở thành công xưởng sản xuất của thế giới vào thời điểm này. Tuy nhiên, phải nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ. Cụ thể, xây dựng và điều hành chính sách chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển CNHT, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước…” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc: Việc lựa chọn thế hệ các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng doanh nghiệp nội địa là yêu cầu cấp bách, để công xưởng ở Việt Nam không chỉ có vai trò của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có cả vai trò thúc đẩy và dẫn dắt của các thương hiệu của các thương hiệu và chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam chỉ là một mắt xích.

GS, TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - khẳng định: Hiện đang có nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba. Việt Nam nằm trong sự lựa chọn hàng đầu và thực tế thời gian qua đã có một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang nước ta.

Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển nhưng sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đầu tư những dự án quy mô hàng tỷ USD trong công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tương lai, xây dựng thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp CNHT phát triển, trở thành nhà cung ứng nguồn nguyên vật liệu cho các tập đoàn này.

Ông Vũ Kim Hùng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) - cho hay: Các doanh nghiệp CNHT chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nhưng đòi hỏi vốn lớn cho đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao. Chưa kể, sản xuất CNHT tạo ra các bán thành phẩm phụ thuộc hầu hết vào khách hàng là nhà sản xuất các sản phẩm cuối cùng, do vậy, doanh nghiệp CNHT khó có được các chiến lược thị trường rõ ràng như đối với sản xuất hàng hóa thông thường.

Hiện tại, do những đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta như không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn, báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng… nên các doanh nghiệp CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

“Đây là một trong những rào cản chính khiến cho doanh nghiệp CNHT khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, dẫn tới việc các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu” - ông Vũ Kim Hùng chia sẻ.

Hotline Zalo
Loading...
×