Để khai thác thương mại điện tử, hướng tới xuất khẩu thành công, các doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn cần phải học hỏi rất nhiều về kỹ năng và kiến thức.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kết nối, giao thương trực tiếp bị hạn chế, khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới để xuất khẩu, được coi là một hướng đi phù hợp. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ đông mỹ nghệ Việt Nam, đã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử quốc tế để tiếp cận khách hàng và xuất khẩu, bước đầu đã có được thành công nhất định.
Ví dụ tại Công ty King Craft Viet cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng lên sàn alibaba.com, gian hàng của công ty đã đạt thứ hạng 3 sao. Trong năm 2020 và 2021, gian hàng của công ty mỗi tháng có khoảng 30.000 lượt ghé thăm, nhận được khoảng 200 thư hỏi hàng, trong số đó đã có những đơn hàng được chốt.
|
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã có các chương trình hợp tác với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amzon, Alibaba hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Amazon, Alibaba, cũng có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia, cả về hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng khai thác sàn thương mại điện tử, đào tạo kiến thức, kỹ năng tiếp cận thị trường, khách hàng toàn cầu...
Tuy nhiên, không phải ai, doanh nghiệp nào khi lên sàn thương mại điện tử để xuất khẩu cũng sẽ thành công. Khi có gian hàng trên Alibaba, hay Amazon, khai thác tốt các kỹ năng, tiếp cận được khách hàng, có đơn hàng rồi, thì phía sau là cả một quá trình liên quan từ tổ chức sản xuất đến việc thực hiện các qui trình, thủ tục về xuất nhập khẩu hàng hóa... Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ qua thương mại điện tử phải có đủ năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, nhân lực phù hợp.
Đại diện Đại lý ủy quyền của alibaba.com tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ lên sàn alibaba.com đa số quy mô còn rất nhỏ, lẻ, hạn hẹp, thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức về công nghệ, chuyển đối số, thương mại quốc tế.
Theo nghệ nhân Sơn mài Đỗ Trọng Đoàn (Hà Nội), nhà nước cần hỗ trợ xây dựng các sàn thương mại điện tử chuyên sâu về thủ công mỹ nghệ; định hướng, đào tạo kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số, thương mại điện tử xuyên biên giới… giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn Báo Công thương