Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giảm do dịch COVID-19

Chỉ số công nghiệp toàn tỉnh tháng 7/2021 ước tính giảm 7,84% so với tháng 7/2020. Đây là tháng đầu tiên trong 7 tháng đầu năm ghi nhận mức giảm sút của ngành sản xuất công nghiệp. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giảm do dịch COVID-19

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Mcnex Vina

Theo báo cáo của Sở Công thương, chỉ số công nghiệp toàn tỉnh tháng 7/2021 ước tính giảm 7,84% so với cùng kỳ tháng 7/2020 và  giảm 5,18% so với tháng trước, Trong đó: ngành khai khoáng tăng 15,64%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,13%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 10,28%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,93%.

Đây là tháng đầu tiên ghi nhận mức giảm của ngành công nghiệp kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,40%; các ngành còn lại đều đạt mức tăng, cụ thể: ngành khai khoáng tăng 1,64%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,24%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,78%…

Tính chung lại 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số IIP toàn tỉnh vẫn đạt mức tăng khá 10,85% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: khai khoáng tăng 37,60%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,80%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,04%; duy nhất sản xuất và phân phối điện giảm 12,48%.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước khiến nguy cơ "đứt gãy chuỗi cung ứng" đang là thử thách lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đây. 

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Theo thông lệ hằng năm, đầu quý II là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu doanh thu theo kế hoạch. Thế nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì tác động tiêu cực của đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, làm "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất kể cả trong và ngoài nước. Đây là tháng đầu tiên ghi nhận mức giảm trong 7 tháng đầu năm 2021. 

Trong đó, mức giảm chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,40%. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp kéo dài thì hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ gặp phải khó khăn và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất. 

Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH cơ điện Ninh Bình, Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công đang tiếp tục gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất do nguồn hàng này phần lớn được nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nhà máy cung cấp nguyên liệu đầu vào tại các tỉnh phía Nam. 

Bên cạnh đó, tại các doanh nghiệp như Công ty TNHH Dream Plastic Ninh Bình, Công ty TNHH Nam &Co London, Công ty TNHH Regis... việc tuyển dụng lao động cũng đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do tâm lý của người lao động sợ tình trạng dịch bệnh trong các doanh nghiệp.

 Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số quốc gia cũng làm ảnh hưởng đến việc đưa chuyên gia, lao động sang Việt Nam để chuyển giao công nghệ, lắp đặt và vận hành máy móc, thiết bị nhập khẩu, làm chậm tiến độ đầu tư dự án như: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng của Công ty TNHH Global Tone; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Dream Plastic; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; dự án mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị và xây dựng nhà xưởng sản xuất phục vụ sản xuất linh kiện camera modul của Công ty TNHH MCNEX Vina …

Thêm một khó khăn cho ngành sản xuất công nghiệp là trong thời điểm này nhiều đơn hàng bị giãn tiến độ hoặc bị cắt giảm do khó khăn trong công tác vận chuyển giao nhận hàng hóa liên quan đến các tỉnh có dịch. Vì vậy, doanh nghiệp bị động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và bố trí việc làm cho người lao động nói riêng. Tình trạng này kéo dài khiến một số doanh nghiệp có thể phải bố trí lao động nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. 

Với quyết tâm không để "đứt gãy chuỗi sản xuất", một số đơn vị đã chủ động xây dựng phương án 3 tại chỗ "Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ" nếu xảy ra dịch bệnh để không gián đoạn trong sản xuất. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và cập nhật thường xuyên văn bản mới trong phòng, chống dịch bệnh từ các các cơ quan chuyên môn của tỉnh để đơn vị có phương án đảm bảo an toàn tốt nhất trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sớm tiêm vắc xin phòng COVID-19; có những hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, địa phương để hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.

Về phía Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 gây ra và Sở Công thương sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Nguồn báo Ninh Bình

Hotline Zalo
Loading...
×