Thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài

Hiện nay, hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở một số quốc gia châu Âu đã phát triển tương đối vững chắc, là cơ sở để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước sở tại. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa được phát huy hiệu quả do hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp trong nước và chất lượng sản phẩm.

Chiều ngày 13/10/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương) và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài”.

Thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài

Tọa đàm trực tuyến “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài”

Tọa đàm “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài” được tổ chức trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Việc triển khai mục tiêu kép về phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội cùng sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, tọa đàm đề ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thời cơ, sớm phục hồi thông qua trao đổi thông tin và tạo cơ hội hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Đặc biệt, sự kiện thể hiện nỗ lực thay đổi cách tiếp cận đối với công tác XTTM, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài và việc triển khai Quyết định số 1797/QĐ-TTg ngày 12/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024” trong tình hình mới.

Cho tới nay, hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở một số quốc gia châu Âu đã phát triển tương đối vững chắc, là cơ sở để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước sở tại. Ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Các hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu - cho biết, người Việt Nam tại châu Âu hiện sở hữu chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ thông qua các trung tâm thương mại được xây dựng ở nhiều quốc gia như Trung tâm văn hóa thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva (Nga), Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đức), Chợ Praha (Séc)... Tuy nhiên, việc tận dụng các trung tâm thương mại của người Việt tại châu Âu để tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa từ trong nước vẫn chưa xứng với tiềm năng. “Thời gian tới, cần đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước”- ông Hoàng Mạnh Huê nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM - cho biết, trong năm 2021, Cục đã tổ chức hiệu quả nhiều chương trình giao thương giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà nhập khẩu nước ngoài trên các ứng dụng của nền tảng số. Trong đó, Cục đã phối hợp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Vụ Thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức XTTM quốc tế trực tiếp tổ chức trên 30 hội nghị giao thương trực tuyến; phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam tổ chức hàng trăm chương trình giao thương trực tuyến hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội, hợp tác xã các ngành hàng dệt may, cơ khí, thực phẩm chế biến, nông sản, rau quả... kết nối với các nhà nhập khẩu đến từ các thị trường ASEAN, Đông Bắc Á, châu Phi, Trung Đông, EU, Nga, châu Úc, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ…

Theo thống kê sơ bộ, tổng số lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến do Cục XTTM tổ chức là khoảng 5.200 lượt doanh nghiệp với nhiều ngành hàng, sản phẩm đa dạng và tiếp xúc, trao đổi với các nhà nhập khẩu từ các thị trường thuộc 5 châu lục.

Bằng những hoạt động XTTM đầy hiệu quả trên đã góp phần đưa các sản phẩm hàng hóa được sản xuất từ bàn tay tinh hoa và trí tuệ của người Việt với sự hỗ trợ tích cực của các doanh nhân, kiều bào Việt Nam tại nước ngoài được tiến sâu, vươn xa, khẳng định vị trí vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới, từ đó, đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người nông dân trong nước để vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để hàng Việt Nam tiến sâu, bám chắc tại nhiều thị trường, ông Vũ Bá Phú cũng mong muốn mạng lưới doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan trong nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong tương lai. Đồng thời, kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước ủng hộ chương trình Thương hiệu quốc gia, để mỗi cá nhân là một đại diện quảng bá thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế. “Cục XTTM sẵn sàng hỗ trợ, kết nối các thương hiệu Việt Nam với đơn vị nhập khẩu sở tại và cung cấp thông tin, nhận định, đánh giá xu hướng của thị trường để thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài

Nhân dịp này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, để tăng cường kết nối, phối hợp trong công tác phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế Việt Nam

Tại Hội nghị, các đại biểu từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực trao đổi về tình hình, thực trạng hoạt động của các cơ sở tiêu thụ, phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; những giải pháp và kinh nghiệm thực tế trong công tác quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài; cũng như nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, hải sản, giày, dép và hàng may mặc từ Việt Nam. Đồng thời, đề ra định hướng hoạt động trong thời gian tới để triển khai nhiệm vụ quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như khai thác tối đa lợi thế của các hình thức triển lãm, kết nối trực tuyến và các sàn thương mại điện tử để kết nối cung, cầu.

Kết luận tại Tọa đàm, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu bày tỏ trân trọng những ý kiến đóng góp, sáng kiến của các đại biểu tham dự và chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự chung tay góp sức của các cộng đồng doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước, Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện tại, khẳng định được hình ảnh, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×