Thêm lực đẩy cho công nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản

Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre nứa trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2021-2023” đang được rốt ráo triển khai, kỳ vọng tạo thêm lực đẩy cho công nghiệp chế biến lâm sản khu vực phía Bắc phát triển.

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ván bóc” tại Hợp tác xã Đạt Thành (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương (Trung tâm 1) và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái phối hợp hỗ trợ thực hiện, nghiệm thu hoàn thành. Thực hiện đề án, Hợp tác xã Đạt Thành đã đầu tư 2 máy bóc gỗ ZB1500-1, công suất 36,5Kw; 1 máy bóc bìa gỗ ZB-1500-1, công suất 16,5Kw đưa vào sản xuất. Máy móc thiết bị mới được tích hợp công nghệ tinh chỉnh điện tử thế hệ mới, sau khi vận hành ổn định và đưa vào sản xuất đã cho năng suất cao, chất lượng ván bóc đều và ổn định hơn so với thiết bị cũ. Đề án được thực hiện không chỉ giúp Hợp tác xã Đạt Thành tăng năng lực sản xuất còn giúp tận dụng nguyên liệu tại địa phương, đảm bảo đầu ra cho bà con trồng rừng.

Trung tâm 1 cũng phối hợp hỗ trợ Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Đình Của (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu nan”. Đề án có tổng mức đầu tư 11.700 triệu đồng, khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.000 triệu đồng.

1238_Anh_11.jpg

Thêm lực đẩy từ khuyến công cho công nghiệp chế biến lâm sản phát triển

 

 

Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại có tính đồng bộ với kỹ thuật ghép hoàn hảo các thanh trúc được vót nhẵn mịn thành tấm mành, các thanh trúc trước khi ghép được xử lý vệ sinh sạch sẽ, trải qua quá trình hấp nhiệt kỹ càng giúp chống mối mọt và mốc với mọi thời tiết. Toàn bộ trang thiết bị công nghệ được nhập khẩu tạo ra đa dạng sản phẩm với mẫu mã, hoa văn, màu sắc độc đáo, như: Chiếu tăm, chiếu lụa, chiếu mộc lá, chiếu in hoa…. Sản phẩm được sản xuất 100% từ tre, nứa, trúc tự nhiên có sẵn ở một số tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng… không sử dụng hóa chất độc hại, không nhuộm màu nên an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Đề án khuyến công thực hiện tại Hợp tác xã Đạt Thành và Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Đình Của nằm trong đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre nứa trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2021-2023” do Trung tâm 1 chủ trì thực hiện.

Theo đại diện Trung tâm 1, đề án khuyến công quốc gia (KCQG) điểm được xây dựng trên cơ sở đề án KCQG nhóm về hỗ trợ phát triển ngành chế biến lâm sản giai đoạn 2019-2020. Với đề án nhóm, đã có 9 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị/dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đề án được ghi nhận đạt hiệu quả tốt bởi đã giúp các cơ sở CNNT chế biến sâu và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, cung cấp đa dạng các sản phẩm lâm sản chế biến cho thị trường trong và ngoài nước; nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các đơn vị thụ hưởng.

Đáng nói, đề án KCQG điểm “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre nứa trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2021-2023” sẽ thực hiện thành chuỗi các hoạt động khuyến công, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết ngành hàng, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp trong vùng... nhằm tạo hiệu quả và tác động một cách hệ thống lên ngành chế biến lâm sản.

Đề án KCQG điểm dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023. Theo đại diện Trung tâm 1, với các nội dung xuyên suốt, hỗ trợ có tính xâu chuỗi sẽ giúp các cơ sở CNNT sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ, tre nứa phát triển đồng bộ, tạo tính liên kết ngành nghề, tăng khả năng tiếp cận thị trường, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, đổi mới hệ thống trang thiết bị. Đồng thời, thông qua đề án này cũng góp phần thúc đẩy ngành chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre nứa trong nước phát triển.

Đề án được thực hiện cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn, miền núi, tạo lập mối quan hệ sản xuất mới trong phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các địa phương nơi triển khai đề án. Tạo việc làm và thu nhập ổn định lâu dài cho lao động địa ph­ương và vùng lân; khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên và các tiềm năng thế mạnh trên địa bàn có hiệu quả.

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×