Sẵn sàng đón "Làn sóng" đầu tư mới

Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình đã có những bước chuyển mình rõ nét, các nguồn lực đầu tư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bước sang giai đoạn mới, Ninh Bình cũng như cả nước đang đứng trước "làn sóng" đầu tư mới, đặc biệt từ nguồn vốn nước ngoài, chính vì thế tỉnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để kiến tạo động lực và không gian phát triển, đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư chiến lược.

Sẵn sàng đón

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Huyndai Thành Công Ninh Bình.

Nhiều kết quả khả quan

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, những năm qua tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng triển khai dự án, mang lại những kết quả hết sức tích cực. 

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 130 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng và có 75 dự án FDI đang hoạt động, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Nhiều dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, đi vào sản xuất ổn định, mở rộng quy mô đầu tư như: Nhà máy lắp ráp ô tô của Công ty ô tô Thành Công, Nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long... 

Trong đó, nổi bật là Công ty ô tô Thành Công với công suất lắp ráp hiện lên tới 80.000 xe/năm. Mới đây tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy HTMV số 2, công suất 100.000 xe/năm và giá trị sản phẩm của nhà máy chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (27%), đóng góp khoảng 70% thu ngân sách của tỉnh. 

Đặc biệt, tỉnh đã tạo nhiều cơ chế, chính sách thiết thực để thu hút đầu tư như chính sách đất đai, ưu đãi về thuế, đào tạo lao động, cải cách thủ tục hành chính. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.472 ha. 

Đến nay, có 5 KCN đã xây dựng và đi vào hoạt động là khu công nghiệp Tam Điệp I; Khánh Phú; Gián Khẩu; Phúc Sơn; Khánh Cư cơ bản được lấp đầy. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã được phê duyệt quy hoạch 25 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích quy hoạch 971,07 ha. 

Hiện, đã thành lập 17 CCN, trong đó các CCN: Cầu Yên,  Ninh Phong, Yên Ninh, Gia Vân, Sơn Lai, Phú Sơn tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; CCN Ninh Vân đạt 33,6%, CCN Đồng Hướng đạt 52,3%, CCN Mai Sơn đạt 49,82%, CCN Khánh Nhạc đạt 71,6%, CCN Gia Phú đạt 46,5%, CCN Văn Phong đạt 26,17%, CCN Gia Lập đạt 3,4%; 4 CCN đang trong quá trình triển khai gồm: Khánh Thành, Khánh Hải 2, Khánh Hồng, Khánh Thượng. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI quyết định đầu tư vào Ninh Bình. 

Kiến tạo môi trường thuận lợi nhất

Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nắm bắt cơ hội này tỉnh Ninh Bình đã xây dựng hàng loạt các chính sách thể hiện tầm nhìn chiến lược phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới để đón "làn sóng" đầu tư, tạo sức bật mới cho nền kinh tế. 

Trong đó, xác định lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Chính vì vậy, tỉnh đã ban hành định hướng trong thu hút đầu tư, theo đó tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Sẵn sàng đón Làn sóng đầu tư mới

Dây chuyền sản xuất của Công ty Sợi Lam Giang.

 Các sở, ngành có trách nhiệm liên quan đã tích cực phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch, triển khai dự án đầu tư hạ tầng để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Để công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Bình đang tập trung thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực và không gian phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội để tạo bước đột phá mới, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, nhất là trong định hướng, thu hút và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư phát triển của khu vực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh Ninh Bình cũng tập trung rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh đầu tư vào tỉnh gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI của tỉnh.

Yếu tố quan trọng nhất trong công tác thu hút đầu tư được tỉnh đề cập trong những năm tiếp theo đó là đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, nộp ngân sách cao và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sức bật trong tăng trưởng kinh tế. 

Chuyển hình thức mời gọi đầu tư từ "tỉnh có" sang "nhà đầu tư cần" và tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư. Duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. 

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo về chất lượng, hiệu quả đầu tư. 

Nguồn sưu tầm Báo Ninh Bình

Hotline Zalo
Loading...
×