Quyết tâm thực hiện mục tiêu CÔNG NGHIỆP HÓA NỀN NÔNG NGHIỆP Khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế

Ngày 13/7/2021, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Lễ Ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.

Những kết quả bước đầu trong công tác phối hợp

Thời gian qua, nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng trong việc tích cực mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, chế biến; kịp thời thay đổi, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta đã đạt những kết quả tích cực, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế cả nước, đặc biệt đã tạo được việc làm, thu nhập cho người nông dân.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 37,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và tăng trưởng xuất khẩu của cả nước nói chung, góp phần bình ổn thị trường trong nước; đặc biệt là trong công tác phối hợp tổ chức sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường; xây dựng phương án, nội dung đàm phán mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức kết nối cung - cầu tiêu thụ; chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp; đầu tư đồng bộ các công trình đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng gặp nhiều rủi ro và khó khăn, dẫn đến chi phí tăng, thời gian kéo dài làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó là các tác động tiêu cực từ những bất ổn chính trị, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistic gia tăng... Do vậy, bên cạnh các giải pháp vẫn được triển khai thực hiện như trước đây như: gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói..., việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu nhằm “vô hiệu hóa” các lợi thế ta có được từ các FTA, từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.

Phát huy hiệu quả giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Trước tình hình nêu trên, để phát huy có hiệu quả hơn nữa các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.

Cục Xuất nhập khẩu - là đầu mối của    Bộ Công Thương và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - là đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trực thuộc hai Bộ để phối hợp triển khai Chương trình này một cách hiệu quả và thực chất, đảm bảo đạt được mục tiêu chung đã đặt ra. Theo đó, tới đây, hai Bên sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, gồm:

Thứ nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp. Phát triển công nghiệp hướng tới phục vụ nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành Công Thương, góp phần cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và dần thay đổi nền nông nghiệp truyền thống. Bộ Công Thương cam kết hợp tác toàn diện với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ khâu nghiên cứu, phát triển chế tạo đến sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực và coi đây là thị trường lớn cho phát triển công nghiệp trong nước.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Hai Bên sẽ cùng nhau cung cấp thông tin dự báo về nhu cầu thị trường nông, lâm, thủy sản trong nước và nước ngoài; chỉ đạo định hướng sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng trên từng khu vực thị trường. Đồng thời, phối hợp trong thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường nội địa, cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu.

Thứ ba, đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường. Hai Bên cũng sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo các vụ kiện ở nước ngoài đối với hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.


Nguồn Thông tin thương mại

Hotline Zalo
Loading...
×