Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hiện thực hóa mục tiêu lớn

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam.

CNHT là ngành trọng yếu

Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Dây chuyền may áo ghế xuất khẩu của Thaco

Dây chuyền may áo ghế xuất khẩu của Thaco

Tuy nhiên, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu; đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử; dệt may; da – giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô... Chính vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho CNHT còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như: Điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ôtô, dệt may, da giày,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT còn nhiều bất cập. Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Động lực từ Nghị quyết 115/NQ-CP

Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ Công Thương, nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội. Theo đó, rất cần những khung khổ chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ DN tiếp cận được với thị trường CNHT.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hiện thực hóa mục tiêu lớn

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Với Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT là cú huých tạo tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể hóa Nghị quyết 115, cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã khai trương Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) và Trung tâm kỹ thuật khuôn mẫu, đánh dấu bước tiến nổi bật của Bộ Công Thương trong đồng hành, hỗ trợ DN trong nước, trở thành cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao hay nhà cung ứng tiềm năng của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam.

Cục Công nghiệp cho rằng, Việt Nam cũng cần có hệ thống các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc thực hiện các hoạt động hỗ trợ toàn diện cho các DN sản xuất công nghiệp, các lĩnh vực dịch vụ công nghiệp liên quan. Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho DN thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm CNHT.

Với các Trung tâm như VITASK sẽ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các chương trình phát triển CNHT. Qua đó, các DN CNHT Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

 

Hotline Zalo
Loading...
×