Những năm qua, nhờ tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án công nghiệp vào địa bàn, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Viễn ngày càng tăng nhanh, tạo đòn bẩy để huyện Gia Viễn đạt được kết quả toàn diện trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là lao động nông thôn.
Dây chuyền sản xuất của Công ty SANICO Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân). Ảnh: Minh Quang
Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Hợi, xã Gia Lạc cấy 2 mẫu ruộng, nhưng năng suất cấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Trong khi đó, ở xã Gia Lạc không có nhiều việc để làm thêm lúc nông nhàn, bởi vậy, cũng giống như hàng trăm hộ gia đình khác, cuộc sống của gia đình chị Hợi khá khó khăn. Đến năm 2003, Công ty TNHH Xây dựng Xuân Quyền được thành lập với nhiều ngành nghề như: xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng, cung ứng vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch Tuynel…, chị Hợi là một trong những lao động địa phương được Công ty nhận vào làm công nhân sản xuất gạch. "Công việc không quá vất vả như làm nghề nông, lại không đòi hỏi kỹ thuật cao, bởi thế rất phù hợp với đa số lao động như chúng tôi. Vào làm việc tại Công ty, tôi được đảm bảo về việc làm với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, được công ty đóng đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Đến nay, tôi đã ngoài 50 tuổi, vẫn duy trì tốt công việc với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập này, cuộc sống của gia đình tôi khá ổn định"- Chị Hợi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xuân Quyền cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm. Doanh thu của Công ty đã tăng từ trên 40 tỷ đồng năm 2015 lên trên 91 tỷ đồng vào năm 2019, nộp ngân sách tăng từ 13,8 tỷ đồng (năm 2015) dự kiến lên trên 19 tỷ đồng (năm 2020). Đặc biệt, hiện nay, Công ty đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 11 triệu đồng/người/tháng. Trong đó chủ yếu là người lao động trong độ tuổi ngoài 35 - đối tượng rất khó xin việc vào các công ty khác, có nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, Công ty TNHH Xây dựng Xuân Quyền đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Cùng với sự nhạy bén, chủ động phát huy nội lực của các chủ cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, huyện Gia Viễn cũng đã tích cực đồng hành, triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhờ đó, các doanh nghiệp và làng nghề truyền thống trên địa bàn không ngừng phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, huyện có 1 khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu và 2 cụm công nghiệp (CCN) đó là CCN Gia Vân, Gia Phú đang hoạt động và CCN Gia Lập đang trong quá trình hình thành. Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN, huyện Gia Viễn tích cực phối hợp với Ban Quản lý các KCN của tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng đã được quy hoạch, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, CCN, tạo mặt bằng tiếp nhận dự án đầu tư. Đặc biệt, với nguồn lao động trẻ, dồi dào cũng là lợi thế lớn để thu hút đầu tư vào huyện Gia Viễn. Trên cơ sở rà soát nhu cầu, đánh giá trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài KCN, CCN đứng chân trên địa bàn, huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong 5 năm qua (2015-2020), huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn lượt lao động, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp…
Với nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, các KCN, CCN trên địa bàn huyện ngày càng được lấp đầy. Điển hình như CCN Gia Vân hiện đã thu hút 11 doanh nghiệp đầu tư. CCN Gia Phú tuy mới đi vào hoạt động song đã có 6 doanh nghiệp đến đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong các KCN, CCN trên địa bàn huyện là 44 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, nhờ đó kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, góp phần tích cực trong công tác tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm mới cho hơn 3.000 lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Ông Trần Ngọc Chi, Trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Gia Viễn cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, huyện đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh; có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh (nhất là về chính sách thuế, đất đai). Hiện nay, toàn huyện có gần 1.700 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài KCN, CCN và trên 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, duy trì hiệu quả các làng nghề: Nghề thêu ren ở Gia Xuân, làng nghề đan cót ở Gia Tân và làng nghề mây tre đan ở xã Gia Trung tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tăng từ 7.200 tỷ đồng năm 2015 lên gần 32.500 tỷ đồng năm 2020 (giá so sánh năm 2010); trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh từ 5.545 tỷ đồng năm 2015 lên gần 31 nghìn tỷ đồng năm 2020.