Mỹ là quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sản xuất chiếm 11 - 14% tổng GDP của Mỹ. Lĩnh vực sản xuất đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Hiệp hội sản xuất quốc gia Mỹ ước tính mỗi USD chi tiêu cho sản xuất sẽ làm tăng thêm 2,74 USD cho nền kinh tế, bao gồm cả dịch vụ bán lẻ, vận chuyển và kinh doanh.
Trong những năm gần đây, sản xuất ngành công nghiệp của Mỹ đã lấy lại đà phục hồi nhờ chính sách tăng cường đầu tư để phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ Mỹ. Tháng 8/2020, Mỹ công bố dành hơn 1 tỷ USD vào việc nghiên cứu các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có việc thành lập 12 viện nghiên cứu và phát triển (R&D) AI và QIS mới trên toàn nước Mỹ cũng đầu tư vào các công trình giao thông nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp.
Theo thống kê của Hệ thống dự trữ Liên bang Mỹ, chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2018, tuy vậy, chỉ số sản xuất đã giảm trong năm 2019 và đặc biệt giảm mạnh trong năm 2020, chỉ đạt 92,7 điểm chỉ số (năm cơ sở là 2017). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung
ứng toàn cầu bị gián đoạn, cùng với đó là sự kiểm dịch, kiểm soát đối với hàng hóa cũng như chính sách cách ly xã hội của các nền kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của Mỹ.
Tuy vậy, 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Mỹ đã tăng trở lại, lên mức 97,2 điểm chỉ số, nhung vẫn thấp hơn chỉ số sản xuất trước đại dịch.
Trong đó, sụt giảm mạnh nhất trong sản xuất công nghiệp của Mỹ là ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa lâu bền (sản xuất kim loại cơ bản; sản xuất thiết bị vận tải; sản xuất đồ nội thất và sản phẩm có liên quan); đối với lĩnh vực sản xuất hàng hóa không lâu bền, sự sụt giảm mạnh thể hiện ở nhóm hàng dệt may; in ấn và các hoạt động hỗ trợ liên quan; sản xuất dầu mỏ và sản phẩm than; sản xuất sản phẩm nhựa và cao su…
Tuy vậy, hoạt động sản xuất máy tính và sản phẩm điện tử trong lĩnh vực sản xuất hàng lâu bền của Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2020, cụ thể là sản xuất nhóm hàng máy vi tính và thiết bị ngoại vi và nhóm thiết bị thông tin liên lạc, với chỉ số sản xuất đạt lần lượt là 155,8 điểm chỉ số và 139,2 điểm chỉ số, tăng so với mức 115 điểm chỉ số và 114,1 điểm chỉ số của năm 2018.
Chỉ số sản xuất các nhóm ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo của Mỹ giai đoạn 2016 - 2020 và 6 tháng năm 2021 (Đvt: Điểm chỉ số, năm cơ sở 2017)
Lĩnh vực | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | 6T/2021 |
Sản xuất chung | 99,3 | 100,0 | 101,5 | 99,5 | 93,2 | 97,7 |
Sản xuất lâu bền | 98,3 | 100,0 | 103,1 | 101,0 | 92,7 | 99,0 |
Sản phẩm gỗ | 98,8 | 100,0 | 100,4 | 95,6 | 93,3 | 97,7 |
Sản phẩm khoáng phi kim loại | 100,5 | 100,0 | 100,4 | 98,1 | 95,2 | 95,3 |
Kim loại cơ bản | 101,0 | 100,0 | 103,2 | 98,8 | 85,6 | 94,8 |
Sản phẩm kim loại chế tạo | 98,8 | 100,0 | 104,6 | 102,4 | 94,7 | 97,2 |
Chế tạo máy móc | 95,8 | 100,0 | 104,6 | 101,4 | 95,2 | 103,3 |
Máy tính và sản phẩm điện tử | 93,2 | 100,0 | 104,9 | 105,8 | 109,7 | 115,7 |
Thiết bị, dụng cụ và linh kiện điện | 100,5 | 100,0 | 101,6 | 102,0 | 96,0 | 100,9 |
Phương tiện và bộ phận có động cơ | 101,0 | 100,0 | 104,1 | 101,1 | 85,2 | 92,5 |
Hàng không vũ trụ và giao thông vận tải khác | 95,3 | 100,0 | 99,8 | 98,8 | 81,7 | 92,1 |
Đồ nội thất và sản phẩm liên quan | 100,8 | 100,0 | 101,1 | 95,3 | 90,2 | 90,5 |