Chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh, thành phố tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, sự chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hoá. Tạo cho các cơ sở CNNT và địa phương có những nhìn nhận tích cực về hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực và trực tiếp tới nền kinh tế tại Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, trong các đợt dịch bùng phát, rất nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí tạm đóng cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với các loại hình doanh nghiệp, các cơ sở CNNT gặp rất nhiều khó khăn. Bối cảnh chung đó hơn bao giờ hết, cần có sự đồng hành của chính sách khuyến công.
Để đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hổi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững, góp phần tích cực trong việc động viên, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp – thiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngày 17/6/2021 Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình ban hành văn bản số 785/SCT-QLCN về việc định hướng xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2022. Sau khi rà soát tổng hợp đăng ký đề xuất kinh phí khuyến công địa phương năm 2022 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, được sự chỉ đạo của Sở Công Thương Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và phát triển cụm công nghiệp phối hợp với Phòng Công Nghiệp, Phòng Kinh tế/ Kinh tế - hạ tầng các huyện tổ chức đoàn khảo sát thực tế tình hình sản xuất kinh doanh và đánh giá về mô hình sản xuất, tiềm năng đầu tư và kế hoạch phát triển của các đơn vị đăng ký khuyến công địa phương năm 2022 nhằm lựa chọn các đơn vị đạt yêu cầu để tiến hành tư vấn, hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công địa phương.
Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế tại các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp đăng ký đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Thông qua khảo sát thực tế, đoàn nhận thấy đa số các đơn vị, cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn duy trì sản xuất được các yêu cầu của chương trình, đúng đối tượng, ngành nghề đăng ký sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ, diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị, số lượng lao động… Bên cạnh đó một số đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.
Qua quá trình khảo sát, Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình sẽ tham mưu cho Giám đốc Sở Công Thương trình UBND Tỉnh phê duyệt chương trình hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn theo đúng quy định.
Vũ Thu Trang – Phòng Khuyến Công