Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021

Trong tháng 8/2021, diễn biến dịch Covid-19 lần thứ 4 ngày càng phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách, đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 1,3%. So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 giảm 5,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 1,9%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%. Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%), trong đó điện thoại các loại và linh kiện đạt 35,68 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 31,26 tỷ USD, tăng 12,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 49,9%; dệt may tăng 9,7%; giày dép các loại tăng 16,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,9%...

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2021 của một số mặt hàng nông, thủy sản tăng so với cùng kỳ năm 2020: Thủy sản tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong nhóm này sau 8 tháng đầu năm nay gồm có cao su (tăng 61,5%), hạt điều (tăng 15,1%), rau quả (tăng 11,8%), thủy sản (tăng 7,1%)… Nhưng ngược lại xuất khẩu cà phê, gạo, chè lại sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 189,28 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 89%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9% và chiếm 7,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 2,7%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu  lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Nhận định và dự báo

Theo đánh giá, hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 8 tháng đầu năm 2021 đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin trong nước.

Dự báo, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đồng thời, các Hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia, Thái Lan… Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.

Nguồn Thông tin thương mại

Hotline Zalo
Loading...
×