Hỗ trợ doanh nghiệp Việt – Nhật mở rộng kinh doanh

 

Sắp tới, ngày 5/3/2021, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) - Văn pòng Đại diện Hà Nội sẽ tổ chức “Chương trình trực tuyến online Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực Monozukuri tại Hà Nội” với mục đích hỗ trợ mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo đại diện JETRO, chương trình kết nối doanh nghiệp lần này sẽ có sự tham gia của 40 doanh nghiệp Nhật Bản là nhà cung cấp hoạt động trong lĩnh vực Monozukuri (sản xuất, chế tạo). Các phiên đàm phán thương mại giữa doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp tại Việt Nam có mong muốn mở rộng kinh doanh, nội địa hóa tại Việt Nam sẽ được tiến hành Online.

Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, chương trình được tổ chức với mong muốn kích hoạt kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Hiện tại, chương trình đã nhận được sự đăng ký tham gia đàm phán từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan...với hơn 50 cuộc đàm phán. JETRO vẫn đang tiếp nhận đăng ký tham gia chương trình của các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua, tìm kiếm nhà cung cấp Nhật Bản trong lĩnh vực Monozukuri cho đến hết ngày 1/3/2021.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt – Nhật mở rộng kinh doanh

Một khảo sát mới đây của JETRO công bố cho biết, thị trường Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, trong xu thế dịch chuyển đầu tư, Việt Nam hiện đang là điểm đến được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, ngoài Thái Lan; khoảng một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có định hướng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và khoảng 70% doanh nghiệp đưa ra lý do “doanh thu tại thị trường bản địa tăng”; 46,8% doanh nghiệp Nhật Bản đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cho 1 đến 2 năm tới, dù tỷ lệ mở rộng thấp hơn so với năm 2019, nhưng cao thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các lý do chính để các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: “Tăng doanh thu tại thị trường nội địa” (65,9%); “Tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu” (48,7%); “Mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao” (44,1%). So sánh với các quốc gia/ khu vực khác thì Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật đặt nhiều kỳ vọng vào “mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao” và “tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu”.

Cùng với nhu cầu mở rộng đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang xem xét việc thiết lập lại một số chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như thay đổi đơn vị thu mua. Theo khảo sát của JETRO, Việt Nam bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà cung cấp cũng như nhà thu mua nguyên liệu trên thế giới. Đơn cử tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp cho biết có nhu cầu mở rộng thu mua trong 1 đến 3 năm tới là 198, trong đó có 84.3% doanh nghiệp dự kiến mở rộng thu mua tại chỗ.

Thực tế theo ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội - cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ thu mua nguyên liệu tại chỗ ở Việt Nam tăng nhẹ lên mức 37% (tăng 0,7 điểm so với khảo sát năm 2019). Đến nay, tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam đã tăng dần từ năm 2010, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Có những doanh nghiệp muốn mở rộng thu mua tại chỗ, tuy nhiên sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa theo kịp.

Nguồn báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×