Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững, hiệu quả

Với những cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, trong những năm qua, tỉnh ta đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với những cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, trong những năm qua, tỉnh ta đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình là một trong ba tỉnh của cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNIDO) chọn tham gia dự án triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Theo đồng chí Vũ Hoài Chương, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong những năm qua, việc quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp cũng như thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp luôn được tỉnh quan tâm. Hiện nay, tỉnh ta có 7 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2004 đến nay, tỉnh ta đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng (trong đó có 70 tỷ đồng là vốn Trung ương, còn lại là vốn ngân sách địa phương) xây dựng cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I để phục vụ các dự án đầu tư. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện để phục vụ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp.

Khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 12.000 m3/ngày đêm tại Khánh Phú và 4.000 m3/ngày đêm tại Gián Khẩu, đảm bảo xử lý nước thải sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn cột A, trước khi thải ra môi trường. Khu công nghiệp Khánh Cư đã được giao cho một nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Còn 3 khu công nghiệp Phúc Sơn, Tam Điệp II và Kim Sơn đang thu hút đầu tư. Đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút 82 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký 46.273 tỷ đồng. Phần lớn các dự án sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến.

Đến thời điểm này, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp đạt trên 30.000 tỷ đồng, đạt 65% vốn đầu tư đăng ký; trong đó 24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn đăng ký là 633 triệu USD. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp của tỉnh đa phần có quy mô lớn với tổng mức đầu tư bình quân đạt 595 tỷ đồng/dự án, diện tích bình quân là 7,5 ha/dự án. Dự án có quy mô cũng như tổng mức đầu tư lớn nhất là dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, sử dụng 53,1 ha, vốn đăng ký đầu tư 10.673 tỷ đồng; bên cạnh đó cũng có 5 dự án có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; 10 dự án có vốn đầu tư từ 500-3.000 tỷ đồng. Hiện đã có gần 50 dự án đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Nhìn chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh hoạt động ngày một ổn định, phát triển. Hàng năm, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt giá trị sản xuất công nghiệp từ 12.000-14.000 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 700-900 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 26.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đào tạo được đội ngũ công nhân lao động có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, làm việc với tính chuyên môn hóa cao, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ và cách quản lý tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển. Sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc phát triển các khu công nghiệp với tốc độ nhanh cũng đã gây ra những thách thức với môi trường, đòi hỏi phải xây dựng mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và cộng đồng xung quanh.

Với nỗ lực chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại thành các khu công nghiệp xanh nhằm cụ thể hóa Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 28-8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg phê duyệt dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Cùng với Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình là một trong ba tỉnh của cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNIDO) chọn tham gia dự án triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong các khu công nghiệp của tỉnh thì Khu công nghiệp Khánh Phú đã được lựa chọn để triển khai dự án. Khu công nghiệp này có diện tích trên 351 ha, hiện có 32 dự án đăng ký đầu tư; trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động ổn định. Qua khảo sát của UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 5 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Khánh Phú đã được lựa chọn tham gia dự án. Để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả, tỉnh cũng cam kết đồng tài trợ dự án này thông qua việc triển khai thực hiện dự án trồng cây xanh và xây dựng hệ thống điện chiếu sáng của Khu công nghiệp Khánh Phú với tổng số tiền trên 10 triệu USD.

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được tiếp cận với các phương thức sản xuất tiên tiến, cải thiện công nghệ để sản xuất sạch hơn; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng tối đa các nguồn lực giảm thiểu tới mức thấp nhất những ảnh hưởng đối với môi trường. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, công chức, hỗ trợ về kỹ năng, kỹ thuật trong giám sát và đánh giá các tác động của các khu công nghiệp tới môi trường, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp. Huy động các nguồn lực để xây dựng có hiệu quả mô hình khu công nghiệp xanh, lựa chọn các doanh nghiệp điển hình trong việc sản xuất sạch hơn để nhân rộng...

Để xây dựng được các doanh nghiệp, khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường cần sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan Trung ương đến địa phương thông qua việc xây dựng các chính sách, định hướng đúng đắn, kịp thời; sự quản lý sát sao, thông thoáng của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, trong đó chủ chốt là Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở Tài nguyên - Môi trường. Một yếu tố quyết định là việc chuyển đổi nhận thức của chính các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp trong việc triển khai thực hiện chiến lược “Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững, hiệu quả” trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hotline Zalo
Loading...
×