Triển lãm M-Tech Osaka 2021 vừa được khai mạc ở tỉnh Osaka (Nhật Bản) ngày 6/10 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể giới hiệu sản phẩm về cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công.
Cơ hội quảng bá sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam
M-Tech Osaka là một trong những triển lãm thường niên chuyên ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công lớn nhất Nhật Bản. Tại triển lãm, ngoài các doanh nghiệp Nhật Bản, thường có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất đến từ các cường quốc công nghiệp trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Do đó, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tiếp cận được với các công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể sang Nhật Bản tham dự Triển lãm năm nay và giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn và hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty CP Cơ khí Việt Âu đã đăng ký thuê thành công một gian hàng tại triển lãm. Đã có rất nhiều khách tham quan đã tới thăm gian hàng của Công ty Việt Âu, tìm hiểu năng lực sản xuất, bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm và cơ hội hợp tác với công ty phía Việt Nam.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, đến từ những nỗ lực của Chính phủ hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này. Trong 6 ngành ưu tiên của Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, có 3 ngành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: điện tử; máy nông nghiệp; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.
Gian hàng triển lãm của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản ở triển lãm M-Tech Osaka 2021
Cần chủ động thu hút đầu tư và hợp tác
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 làm gián đoạn, đứt gãy một số khâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch toàn bộ hoặc một phần sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan…
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng cần có sự chủ động tích cực nhằm nắm bắt những cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh mới. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tại triển lãm, nhiều công ty Nhật Bản quan tâm và đang cân nhắc kế hoạch chuyển một phần chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình. Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng được thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam. Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Do đó, việc tận dụng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng và kinh tế nói chung đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp hai nước.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản với vai trò là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ xúc tiến hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, đã tích cực tham gia nhiều triển lãm chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tổ chức tại Nhật Bản. Dưới sự hỗ trợ của Thương vụ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tham gia các triển lãm, thông qua việc thuê gian hàng hoặc gửi hàng mẫu, có cơ hội được giới thiệu công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp mình và tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển nói chung của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua.
Trước đó, hồi giữa tháng 9, Việt Nam cũng tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 (SIE 2021) và Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của trên 100 doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế.
Nguồn báo Công thương