Nhu cầu nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đang rất lớn, đặc biệt là trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, đây là cơ hội vàng để các đơn vị đào tạo của Bộ Công Thương (MOIT) cung ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hết sức quan trọng.
Tích cực kết nối
Là đơn vị đào tạo các ngành về điện - điện tử, cơ khí, kỹ thuật ô tô…, thời gian qua, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế chủ động bám sát với nhu cầu thực tiễn để có chương trình đào tạo phù hợp. Trong đó, nhà trường tích cực thực hiện áp dụng mô hình KOSEN (mô hình đào tạo kỹ sư thực hành với sự hỗ trợ của Nhật Bản) cho ngành điện - điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, để có nhân lực phù hợp với bối cảnh mới, nhà trường áp dụng xây dựng chương trình đào tạo với học tín chỉ dựa theo chuẩn đầu ra cùng định hướng của dự án KOSEN cho tất cả các ngành học.
Việc gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là chìa khóa để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệ p
Đồng thời, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế còn thiết lập mạng lưới các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, học viên tham gia các khóa đào tạo của doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Nhờ sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, sinh viên đã tích cực chủ thực hiện các quy định của nhà trường, quy chuẩn an toàn lao động; nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng tin học, ngoại ngữ, sẵn sàng cho quá trình hòa nhập.
Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại cũng là đơn vị tích cực thúc đẩy gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo được nhà trường chú trọng. Trong đó, để tăng hiệu quả cho mô hình đào tạo KOSEN, đơn vị này tích cực giới thiệu mô hình đào tạo tới doanh nghiệp. Nhờ đó, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ từ một số doanh nghiệp về dây chuyền điện tử công nghiệp phục vụ đào tạo thực hành cũng như lý thuyết; dạy tiếng Nhật miễn phí; hỗ trợ đưa sinh viên tham gia các hoạt động khoa học công nghệ….
Thời gian qua, theo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, các trường của Bộ Công Thương đang từng bước cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt thông qua các chương trình hợp tác với doanh nghiệp. Theo đó, có hơn 80% số trường cao đẳng Bộ Công Thương có báo cáo về hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong vòng 3 năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới gần 5 nghìn đơn vị trên cả nước (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam).
Các hoạt động hợp tác chủ yếu gồm: Doanh nghiệp với trường thông qua việc cho sinh viên thăm quan, thực tập, thực hành, hướng nghiệp, tuyển dụng, cung cấp thông tin về nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ, giờ học tại doanh nghiệp, đánh giá người lao động, tài trợ máy móc thiết bị, học bổng, tài trợ các cuộc thi, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, giáo trình, đặt hàng đào tạo (nâng bậc thợ, chuyển đổi tay nghề), nghiên cứu khoa học,...; Trường với doanh nghiệp, gồm cung cấp nhân lực, đào tạo lại cho DN, tư vấn, nghiên cứu khoa học…
Tăng sự mặn mà hợp tác của doanh nghiệp
Tuy nhiên, ngoài những kết quả tích cực, cho đến nay sự gắn kết giữa giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp vẫn còn đó rất nhiều khó khăn.
Theo đại diện Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, trong đào tạo thông qua gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, do nguồn lực của các đơn vị đào tạo đều rất hạn chế nên buộc phải phân tán để tận dụng các nguồn hỗ trợ cho hoạt động. Nhất là trong quá trình triển khai đào tạo theo mô hình KOSEN, do thiếu nguồn lực tài chính nên việc cải tiến hay áp dụng chương trình khó đi vào chiều sâu. Nhiều giáo viên chưa hiểu được mô hình KOSEN, cần có thời gian để được đào tạo để hiểu được bản chất thì khi triển khai mới có thể dễ dàng. Nếu nhà trường tự triển khai sẽ có khó khăn về ngân sách, nếu triển khai mà không có sự hỗ trợ ngân sách thì sẽ cần có thời gian.
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thực sự bền vững, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, như: Doanh nghiệp không cung cấp kế hoạch tuyển dụng lâu dài do biến động của hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp đóng góp thay đổi chương trình nhưng trường khó thay đổi thiết bị dạy học, chương trình thực tập thực hành có hạn chế thời lượng; doanh nghiệp đánh giá năng lực người thực tập không theo các tiêu chí chuẩn kỹ năng nghề, thời điểm thực tập,... Các quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên còn chưa đầy đủ.
Đặc biệt, dự báo nhu cầu nghề nghiệp để định hướng ngành nghề cho trường, cho học sinh, sinh viên chưa tốt, dẫn tới tỷ trọng lao động theo ngành nghề còn bất hợp lý (chỗ thiếu chỗ thừa); lao động chọn sai nghề, không phát huy được khả năng, thiếu niềm say mê công việc, không có động lực học và làm nghề. Các doanh nghiệp chưa mấy mặn mà gắn kết với nhà trường do chưa nhận thấy lợi ích dài hạn của việc tham gia đào tạo sinh viên. Họ bỏ nhiều chi phí ra đào tạo lao động nhưng không muốn đầu tư dài hạn cho nguồn nhân lực.
Nhằm cung ứng được nguồn nhân lực theo nhu cầu của phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, Bộ Công Thương đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kỹ thuật, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Riêng các đơn vị thí điểm mô hình đào tạo KOSEN, Bộ yêu cầu thúc đẩy toàn thành việc xây dựng các chương trình đào tạo KOSEN, triển khai nhân rộng mô hình đào tạo kỹ sư thực hành KOSEN cho các trường của Bộ. Ngoài ra, thí điểm triển khai mô hình liên kết đào tạo nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp; thành lập tổ tư vấn giáo dục nghề nghiệp dựa trên mô hình của Đức, có vai trò tham mưu đề ra các giải pháp kết nối giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên; bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp (trong và ngoài nước) và đại diện các tổ chức cho người lao động.
Năm 2021, nhiều đơn vị cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đặc biệt, một số đơn vị thí điểm đào tạo KOSEN sẽ nhân rộng mô hình này sang các ngành nghề đang đào tạo khác, để phát triển thành một mô hình trường giáo dục kỹ thuật phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nhà trường sẵn sàng cùng các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản kết hợp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao theo mô hình KOSEN.
Tuy nhiên, để mang lại một hiệu quả rõ nét về đào tạo, nhất là đào tạo theo mô hình KOSEN, các trường cần đang rất sự hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp tích cực từ phía Nhật Bản trong việc xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo, cũng như đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm hỗ trợ việc là của KOSEN để các chuyên gia, doanh nghiệp phía Nhật Bản cũng tham gia quảng bá hình ảnh mô hình đào tạo KOSEN.