Công Thương Ninh Bình: Vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế

Những năm qua, Ninh Bình là một trong những tỉnh có sự phát triển nhanh, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

 

Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, ngành Công Thương  Ninh Bình đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, các chỉ số của ngành phụ trách đều đạt nhiều kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh  Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra một số mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 25.500 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngành Công Thương  Ninh Bình đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Chính quyền và nhân dân tỉnh  Ninh Bình bước vào năm 2024 với tâm thế “tăng tốc bứt phá”, tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra nhằm hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp có sự bứt phá với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 47.949 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó có một số sản phẩm chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng cao như: thép cán tăng 49,9%, phân lân nung chảy và NPK tăng 50,5%...

Ninh Bình

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.661,2 triệu USD, tăng 10,2%

Không chỉ có lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy sự sôi nổi và có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên thị trường 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 39.281 tỷ đồng, tăng 24,97% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54,57% kế hoạch năm. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.661,2 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,1% kế hoạch năm.

Tập trung phát triển công nghiệp thu hút đầu tư

Với tầm nhìn chiến lược là tập trung mạnh mẽ vào phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, tạo nên một bức tranh kinh tế đa sắc màu và đầy triển vọng, nhiều năm nay, ngành Công Thương tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định liên quan đến phát triển công nghiệp, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư FDI.

Nhờ đó, tính đến nay, toàn tỉnh  Ninh Bình hiện có 97 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.675,63 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, ngày càng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Trong đó, ưu tiên các dự án tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Sự phát triển đồng bộ giữa công nghiệp và thu hút đầu tư đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Nhiều nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương

Theo dự báo từ các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt gia tăng tại nhiều nước, đối tác lớn... là những rào cản tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn, thời gian tới ngành Công Thương tỉnh  Ninh Bình quyết tâm triển khai các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu được giao, phấn đấu đến cuối năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ đạt 108.746 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 71.980 tỷ đồng và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 3.250 triệu USD.

Ninh Bình

 Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phát triển hạ tầng khu,
cụm công nghiệp

Mở đường cho công nghiệp tỉnh phát triển, ngành Công Thương cũng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Phúc Sơn và KCN Gián Khẩu mở rộng, các cụm công nghiệp: Trung Sơn, Khánh Hải I, Khánh Hải II tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư thứ cấp; nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu xây dựng mới các CCN: Ninh Vân, Khánh Lợi II, Chất Bình và mở rộng các CCN Gia Lập, Gia Phú, Văn Phong.

Đối với lĩnh vự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh  Ninh Bình sẽ xây dựng hoàn thành đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hoá giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị” trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.

Có thể khẳng định, ngành Công Thương tỉnh  Ninh Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo nên một diện mạo mới, đa dạng cho kinh tế tỉnh nhà. Từ những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tinh thần lao động sáng tạo của người dân,  Ninh Bình đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế khu vực miền Bắc.

Trong tương lai, với định hướng chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm không ngừng nghỉ, ngành Công Thương tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục vươn xa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và góp phần tạo nên một nền kinh tế phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Công Thương cả nước.

Nguồn: tapchicongthuong

Hotline Zalo
Loading...
×