Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Vẫn chờ chính sách

Ngành dệt may đang “ngóng” Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm cân nhắc bài toán lợi ích khi đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

Băn khoăn bài toán hiệu quả

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 9 tháng đầu năm đạt 18,05 tỷ USD, trong đó nhập khẩu vải 10,51 tỷ USD; bông 2,42 tỷ USD; xơ sợi các loại 1,95 tỷ USD... Những con số này đã phản ánh sự chênh lệch cung- cầu lớn về nguyên, phụ liệu cho sản xuất, cũng phản ánh mức phát triển tương đối thấp của CNHT ngành dệt may.

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Vẫn chờ chính sách

Nguyên, phụ liệu ngành dệt may phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài

 

“Phụ thuộc vào nguồn cung nguyên, phụ liệu nhập khẩu ngoài làm khó doanh nghiệp trong việc đáp ứng kịp thời các đơn hàng, còn là trở ngại đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” - bà Trần Thu Hương- đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – chia sẻ.

Trên thực tế, việc phát triển CNHT cũng như phát triển khâu thượng nguồn là vấn đề được đề cập tới nhiều thời gian gần đây, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn. Bản thân doanh nghiệp dệt may trong nước hoàn toàn có năng lực tiếp cận công nghệ dệt, nhuộm hiện đại. Tuy nhiên, như lời ông Vương Đức Anh- Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vấn đề ở đây là bài toán hiệu quả. Vốn đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu rất lớn, nếu không có đầu ra, doanh nghiệp không thể và không dám đầu tư.

Khi xác định đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu, phải xác định doanh nghiệp có vào được chuỗi cung ứng không bởi nếu đứng một mình không thể có được giá cạnh tranh” - ông Vương Đức Anh nói, đồng thời phân tích: Mỗi công đoạn sản xuất từ xơ, sợi, đến dệt nhuộm, doanh nghiệp tính từ 5-7% lợi nhuận mà thành phẩm cuối cùng tạo ra, gánh tới 15-20% lợi nhuận thì không thể cạnh tranh.

Một vấn đề nữa khiến CNHT cũng như sản xuất nguyên phụ liệu của ngành dệt may chậm phát triển là không được sự chào đón của địa phương. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), gần 4 năm trở lại đây, không có dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dệt, nhuộm. Nguyên nhân do các địa phương lo ngại về vấn đề môi trường.

Cần cơ chế khuyến khích đủ mạnh

Phát triển CNHT nhằm tạo nền tảng cho ngành công nghiệp dệt may tăng trưởng bền vững là vấn đề đã đặt ra từ nhiều năm nay. Bản thân doanh nghiệp trong ngành rất mong chờ những chính sách có sức khuyến khích đủ mạnh, tạo động lực cho đầu tư.

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch VITAS, chính sách phát triển cho ngành cần đảm bảo các vấn đề sau: Các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu phải có đường giao thông thuận lợi, đồng thời gắn với hệ thống cảng biển; tạo liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm; cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải. Trong chính sách, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành cũng cần phân rõ các vùng, địa phương trọng tâm trong quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà máy xử lý nước thải để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phần cung thiếu hụt…

Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy CNHT ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.

Nguồn Báo Công thương

Hotline Zalo
Loading...
×