Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển sản xuất, xuất khẩu, song công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2021 sẽ chú trọng thực thi các dự án sản xuất hàng phụ trợ, tạo năng lực và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ôtô...
Tập trung rà soát các dự án sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu
Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nguồn cung chủ yếu từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp Việt có xu thế quay trở lại tìm kiếm đối tác là các nhà sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ trong nước thay thế nhằm tiết kiệm chi phí, chủ động thời gian, nâng cao chất lượng. “Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” –Bộ Công Thương nêu rõ.
Hơn nữa, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi đã và đang tạo điều kiện cho dòng vốn chuyển dịch từ các nước về Việt Nam mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rất nhiều DN “đổ” vào nước ta để tiếp cận những ưu đãi về thuế quan và đầu tư từ FTA.
Bộ Công Thương thông tin thêm, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam đã chủ động tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất, chuyển hướng sang sản phẩm CNHT. Hơn nữa, thời gian qua, doanh nghiệp ngành CNHT không ngừng nỗ lực đổi mới, hướng đến nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021 sẽ tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Theo đó, hướng tới mục tiêu, năm 2030 sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp sẽ triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho 2 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, Cục sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc với một số địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp để hướng dẫn triển khai các chính sách phát triển công nghiệp.
Song song với đó, Cục Công nghiệp phối hợp với các đơn vị phụ trách thị trường khu vực và các thương vụ tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối và đẩy mạnh chuỗi sản xuất toàn cầu, khai thác tốt các FTA.
Nghị quyết 115 đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Nguồn Báo công thương