Giai đoạn 2016-2020 ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010, ước đạt 279.037 tỷ đồng; giá trị gia tăng bình quân của ngành công nghiệp ước đạt 18,9%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra là 16%/năm. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm như: sản xuất, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thiết bị phụ tùng đem lại hiệu quả cao.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Gián Khẩu.
Ưu tiên các ngành công nghiệp trọng điểm
Những năm qua, sự phát triển của Nhà máy Hyundai Thành Công đã trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình. Năm 2019, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại ước đạt 70.558 xe, tăng 25% so với năm 2018, đạt 128% so với kế hoạch, nộp ngân sách hơn 9.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2020, doanh số tiêu thụ ô tô mang thương hiệu Hyundai của Tập đoàn đạt 40.987 xe, đứng đầu thị trường với các dòng xe Grand i10, Santa Fe, Kona…
Đặc biệt, vừa qua liên doanh Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor đã tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 với tổng vốn đầu tư trên 3.200 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: dự kiến giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 6/2022, giai đoạn 2 hoàn thành vào tháng 6/2025. Công suất của Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 theo thiết kế đạt 100.000 xe/năm sẽ nâng tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại Việt Nam lên 170.000 xe/năm.
Sự phát triển mạnh của Nhà máy Hyundai Thành Công cũng như những chính sách ưu việt của tỉnh đã "kích cầu" làn sóng đầu tư của hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại tỉnh Ninh Bình.
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô. Có thể kể ra như: Công ty TNHH ADM21 Việt Nam với năng lực sản xuất 20 triệu chiếc cần gạt nước ô tô/năm, toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Pháp.
Công ty TNHH Sejung Việt Nam chuyên sản xuất ống xả có tổng vốn đầu tư 443,4 tỷ đồng, công suất thiết kế 570.500 sản phẩm/năm. Nhà máy sản xuất camera modun và linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNEX VINA, vốn đầu tư 1.932,67 tỷ đồng...
Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô, điện tử trên địa bàn, năm 2017, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Đây được xem là "đòn bẩy" cho ngành công nghiệp trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó mục tiêu chung là xây dựng tỉnh Ninh Bình có nhà máy sản xuất ô tô Huyndai số một tại khu vực Đông Nam á, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường trong nước đồng thời xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh xác định ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ là những ngành mũi nhọn góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh.
Do vậy, cùng với chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng,... để dự án sớm triển khai đi vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.472 ha và 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích 971,07 ha. Đến nay đã có 5 KCN đi vào hoạt động là: Khánh Phú, Khánh Cư, Phúc Sơn, Gián Khẩu, Tam Điệp I với tổng diện tích là 786 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%; 5/17 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% là CCN Cầu Yên, Ninh Phong, Yên Ninh, Gia Vân, Sơn Lai.
Tỉnh cũng tập trung kêu gọi đầu tư hoàn thiện xây dựng hạ tầng cơ sở các KCN, CCN giúp cho nhà đầu tư đến với Ninh Bình thuận lợi hơn. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã thu hút được 279 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 38.185 tỷ đồng. Trong đó có 56 dự án trong KCN/CCN với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.285 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh đã có 79 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.410 triệu USD.
Kiên trì mục tiêu phát triển bền vững
Bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Ninh Bình tiếp tục kiên trì với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 (theo giá so sánh 2010) đạt 128.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 10,25%.
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Để thực thi mục tiêu này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Trong đó, tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là KCN Gián Khẩu 50 ha mở rộng, KCN Phúc Sơn, các CCN Gia Lập, Khánh Thượng,... để tạo mặt bằng sạch cho Tập đoàn Thành Công đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy số 2, đồng thời thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa, sức cạnh tranh của sản phẩm trong khu vực.
Trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp bền vững. Duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực để tăng nhanh giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục rà soát thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình, bàn giao đất nhanh cho các dự án công nghiệp, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động, chế độ ưu đãi tối đa theo quy định của Chính phủ với tất cả các dự án đầu tư…, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp phát triển mạnh, đặt nền móng quan trọng cho những năm sau để kinh tế Ninh Bình tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế trong nước và toàn cầu.
Nguồn báo Ninh Bình